Bánh phồng cá linh

Bánh phồng cá linh

Phải thừa nhận con cá linh là một thứ phẩm vật trời cho chỉ riêng người miền Tây mà không nơi nào trên suốt dải nước Nam này có được. Năm nào cũng vậy, khi ngọn gió chướng thổi về, đàn cá linh làm cuộc “di cư” theo con nước đỏ từ Biển Hồ, Campuchia đổ về miền Tây. Căn cứ vào các con nước kém từ mùng 7 đến mùng 10 và từ 20 đến 25 âm lịch, bà con địa phương thường mua lú, lưới mịn về giăng bắt cá linh. Gặp con nước trúng thường họ bắt được mỗi lần vài chục ký. Ai đi đâu cứ nhắc đến mùa nước nổi lại lay lắt nhớ về. Nào là cá linh nấu canh chua bần, cá linh kho mía, kho nước dừa, cá linh kho mắm chấm bông điên điển, cho tới bánh xèo cá linh non… Nhưng tới bánh phồng cá linh thì người viết phải thán phục óc sáng tạo có lẽ vô tận của các má, các chị ở miệt sông nước này. Nhắc đến bánh phồng, ta thường nghĩ đến bánh phồng tôm thường hiện diện trong các bữa tiệc trong nhà hàng hay các quán ăn, và nhất là trong dịp Tết bánh phồng tôm khộng thể thiếu trong các món khai vị ở gia đình. Nhưng thật tuyệt vời, mỗi khi đến nơi đây vào mùa lũ – cũng là mùa cá linh – thì du khách sẽ được thưởng thức món bánh phồng cá linh độc đáo này.


Những con cá linh béo múp là sản vật trời cho của nơi đây


Làm món bánh phồng cá linh rất dễ nhưng tốn công một chút. Cá linh mua ở chợ phải lựa cá linh non, còn tươi (vì cá linh lớn cứng xương nhiều mỡ) về cắt đầu, đuôi, bỏ ruột, rửa sạch, để ráo. Trước hết, cho cá đã làm sạch vào cối quết thật nhuyễn. Sau đó, cho chả cá linh cùng với các gia vị khác theo phân lượng như sau: ½ kg chả cá + 6 lòng trắng trứng vịt + ½ kg bột mì + gia vị (muối, đường, tỏi, bột ngọt, tiêu sọ đâm giập, đầu hành lá xắt nhuyễn) cho vừa khẩu vị. Cho tất cả hỗn hợp trên vào cối đá quết mạnh tay, cho đến khi hỗn hợp thành một thứ bột dẻo, mịn. Tiếp đến, đổ hỗn hợp ra mâm, dùng tay se thành từng cây hình trụ. Dùng lá chuối gói như đòn bánh tét, cho vào xửng chưng cách thủy, độ khoảng 1 tiếng là chín. Cuối cùng, vớt ra để nguội, xắt thành từng miếng mỏng phơi nắng khoảng 1 ngày là khô.



Thế là món bánh phồng cá linh đã hoàn thành. Chỉ cần bắc chảo nóng lên và cho từng miếng bánh phồng cá linh vào chiên vàng là xong. Vị ngọt, béo, giòn, và mùi thơm đặc trưng của cá linh xông lên tận mũi ăn kèm bánh phồng giòn tan. Ăn miếng bánh phồng cá linh giòn xốp, béo mà không ngậy, mằn mặn và thơm mùi cá linh rất khác với bánh phồng làm bằng tôm, cua hay mực… Thêm một cốc bia lạnh vào nữa, du khách sẽ luyến nhớ mãi một món ăn đầy hấp dẫn của quê hương miền Tây mùa nước nổi.

                                                              Tinfood sưu tầm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Danh mục Giỏ hàng Tài khoản Yêu thích