Bưởi Đoan Hùng là một giống bưởi nổi tiếng không chỉ ở Phú Thọ, mà còn được biết đến ở nhiều nơi khác. Giống bưởi này mang tên huyện Đoan Hùng, huyện cực bắc của tỉnh Phú Thọ.
Bưởi Đoan Hùng có quả hình cầu dẹt, chín màu vàng sáng, cùi mỏng, múi ráo, tôm mọng nước, màu trắng ngà, ăn ngọt mát, mùi thơm đặc trưng. Giống bưởi nối tiếng này đã được bảo hộ tên gọi xuất xứ và được Nhà nước bảo hộ vô thời hạn tại quyết định số 73/QĐ-SHTT.
Bưởi Đoan Hùng cũng như bao nhiêu đặc sản khác, chỉ có đất Đoan Hùng mới cho những trái bưởi thơm ngon được, và trên đất Đoan Hùng cũng chỉ có 2 vùng mà ở đó bưởi trở nên thơm ngon nhất, đó là bưởi Chí Đám và bưởi Bằng Luân.
Bưởi Sửu Chí Đám phát triển phù hợp trên đất phù sa sông Lô, sông Chảy. Về nguồn gốc, giống bưởi này được nhân dân xã Chí Đám nhân ra từ cây bưởi ngon của nhà lão nông có tên là Sửu cách đây trên 200 năm. Từ đó tên ông được đặt cho giống bưởi. Bưởi Sửu sau 5 năm trồng cho quả có chất lượng tốt, cây 15 tuổi có năng suất từ 100 – 150 quả, bảo quản sau 5 – 6 tháng quả giữ được chất lượng tốt.
Bưởi Bằng Luân có cách đây 200 đến 300 năm là giống có nhiều nhất ở Đoan Hùng, hầu hết các xã trong huyện, đặc biệt là Bằng Luân và Quế Lâm đều trồng giống bưởi này.Bưởi Bằng Luân có dạng lá nhỏ, quả nhỏ có hình cầu dẹt hoặc dạng hình lá to, quả to, tròn đều. Khi chín có màu vàng rơm, màu thịt quả trắng, trục quả đặc, dễ tách múi, tép mềm mọng nước có màu trắng xanh, ngọt đậm, vị thơm.
Có lẽ làm nên cái hồn cho Bưởi Đoan Hùng là hương bưởi, cái mùi thơm ngan ngát ấy thực khó diễn tả. Tết đến, xuân về trên bàn thờ tổ tiên mà có trái bưởi Đoan Hùng thì hương vị đặc biệt ấy sẽ làm cho không khí gia đình thêm ấm cúng. Bạn đừng quên chọn cho mình được một trái bưởi làng Chí, hay bưởi Sửu vào mùa hè để thưởng thức vị ngọt lịm, tan nơi đầu lưỡi và thấm cái mát đến tận ruột gan, da thịt.