Nằm ở độ cao 1.000m so với mực nước biển nên thời tiết, khí hậu của Quản Bạ hầu như mát mẻ quanh năm, thuận lợi cho việc sinh trưởng, phát triển của nhiều loại cây trồng có nguồn gốc ôn đới, trong đó có giống hồng ngâm không hạt của địa phương. Nếu trồng nơi đất tốt, chăm bón đúng kỹ thuật, cây cao, tán lá rộng, năng suất cao và khá ổn định; có thể cho thu hoạch trên 20 năm.
Hồng không hạt Hà Giang hay còn gọi là hồng Quản Bạ vì được trồng nhiều ở huyện Quản Bạ của tỉnh. Khác với hồng không hạt ở Lạng Sơn, Cao Bằng hay hồng Trung Quốc, hồng không hạt Quản Bạ có một đặc trưng riêng. Hồng Quản Bạ không có hạt, rất thơm ngon, mát; quả ăn ngọt đậm, giòn và nhiều bột mịn, vỏ quả cứng, thịt quả chắc, rất dễ bảo quản và vận chuyển. Vì thế, hồng Quản Bạ thường có giá cao hơn so với hồng Trung Quốc. Đây cũng là cây trồng mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho địa phương.
Vùng chuyên canh hồng không hạt thuộc các xã Nghĩa Thuận, Quản Bạ, Thanh Vân, thị trấn Tam Sơn huyện Quản Bạ với diện tích khoảng 150ha. Theo bà con, đây là giống hồng bản địa đã có từ lâu đời của người Mông, Dao, Tày, Bố Y…, được trồng nhiều ở các xã Nghĩa Thuận, Quản Bạ, Thanh Vân, Tùng Vài, Quyết Tiến và thị trấn Tam Sơn. Hồng không hạt dễ trồng, chỉ cần chắn rễ vào mùa thu rồi đem ươm cho nẩy chồi, đem trồng vào mùa xuân là cây lên xanh tốt; chỉ 2-3 năm là bói quả, đến năm thứ 4 mỗi cây có thể cho 8-10kg, năm thứ 6-7 đã cho thu 20-25 kg/cây, mỗi năm cho thu nhập trên dưới 60 triệu đồng/ha nên cả xã có gần nghìn hộ tham gia trồng hồng, người ít dăm bảy cây, nhà nhiều có tới trên 1ha với 400-500 cây.
Cây ra hoa từ tháng 3, kết quả tháng 4, có thể cho thu hoạch rải rác từ tháng 8 đến tháng 11, tính rải vụ cao. Lúc mới hái, hồng ở đây to bằng quả trứng gà, vỏ xanh chen lẫn những ánh vàng nhưng sau khi ngâm vài hôm, quả ăn giòn, ngọt đậm, nhiều bột mịn và thơm hơn các giống hồng khác; vỏ quả cứng, thịt quả chắc nên dễ bảo quản và vận chuyển đi xa. Giống hồng ngâm không hạt đã trở thành cây đặc sản, cây xóa đói, giảm nghèo của huyện Quản Bạ.