Mận hồng đào Trung Lương

Cư dân Mỹ Tho vào thập niên 60 – 70 đều biết dọc theo đường lên Sài Gòn, hai bên đường từ “Thành Mỹ”(cầu Đạo Ngạn) đến khỏi Cầu Đôi (Cầu Sắt) một đỗi; rồi sâu vào miệt vườn Đạo Thạnh, Trung An, nhà nhà đều trồng một loại mận có tên rất nên thơ: Hồng Đào!

Đúng như cái tên, mận Hồng Đào có màu da hồng nhạt, trái không thon hình quả chuông như các loại mận khác, mà hình hơi tròn, có nhiều trái bề ngang lại lớn hơn cả bề dài! Đặc biệt là mình mận cứng, ăn giòn, ít nước nhưng vị ngọt thì đậm đà, chưa thấy một loại mận nào “qua” được; đó là nói về “Hồng Đào Sọc”; với “Hồng Đáo Đá”, thì da hồng hơn, thân càng cứng hơn (đá mà!); đây là điểm ưu việt giúp cho thân mận khỏi bị giập trong việc thu hoạch hay di chuyển xa. Khi “chín tới”, cầm trái mận ta lắc lắc thì nó kêu lụp cụp vì những hạt bên trong đã “nhả ruột” (không còn dính vào ruột mận nữa); lúc này hạt đã chuyển từ màu trắng qua màu nâu sậm. Ngày nay, cây mận Hồng Đào dần mai một, nhưng những hoài niệm về nó như trong chiến tranh ác liệt, trái mận Hồng Đào từng là thức ăn của những chiến sỹ cách mạng, trong khi tiến công quân thù hay diệt ác phá kềm… Những quả mận Trung Lương một thời gắn bó với cái tên Mỹ Tho cũng đi vào quá khứ.

Ăn mận Trung Lương mà lấy hai ngón tay cái bấu vào đít (mận) để tách hai ra là không đúng điệu nghệ; mà phải cho trái mận vào lòng hai bàn tay rồi ép mạnh; nó sẽ kêu cái “rốp”, đồng thời bể ra làm tư, làm năm tạo thành những cái ngao nhỏ; lấy ngao nầy múc nước mắm đường ớt, cho vào miệng thì các mùi vị của ngọt, mặn, cay hòa lẫn nhau, vừa ăn vừa hít hà, nước miếng nước mồm tuôn ra mỏi cả hai má!


Cây mận trổ hoa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Danh mục Giỏ hàng Tài khoản Yêu thích