Trong tất cả các loại trái cây đặc sản của Bến Tre thì bưởi da xanh có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước nhất. Bưởi da xanh có giá trị kinh tế rất cao, nó không chỉ là món ăn ngon bổ dưỡng mà còn là bài thuốc chữa bệnh.
Ý nghĩa của mâm ngũ quả trong ngày Tết cổ truyền
Ngày Tết, cho dù ở thành thị hay thôn quê, giàu sang hay nghèo khó, trên bàn thờ tổ tiên hoặc trên bàn tiếp khách, hầu như nhà nào cũng trưng một mâm ngũ quả, và cố thể hiện sao cho vừa đẹp mắt vừa hàm ý những điều ước nguyện của gia chủ. Gọi là ngũ quả nhưng thật ra chẳng ai rõ quy định là những loại quả gì mà tùy từng địa phương với đặc trưng về khí hậu, sản vật và quan niệm riêng mà người ta chọn ra các loại quả khác nhau để bày mâm ngũ quả. Tuy nhiên, dù là loại quả gì, mâm ngũ quả vẫn mang một ý nghĩa chung: dâng cúng tổ tiên thể hiện lòng hiếu thảo và ước mong những điều tốt lành trong gia sự. Mỗi loại quả đều có mùi vị, màu sắc riêng và cũng mang những ý nghĩa nhất định.
Nếu căn cứ theo màu sắc trong triết lý phương Đông thì mâm ngũ quả phải có 5 loại quả với 5 màu khác nhau: Đầu tiên là chuối xanh – ứng với mùa Xuân (hành mộc). Nải chuối như bàn tay ngửa, hứng lấy những gì tinh túy nhất của mùa Xuân để đọng thành quả ngọt; nó còn có ý nghĩa che chở, bảo bọc. Thứ hai là quả Phật thủ màu vàng – tượng trưng hành thổ nên được đặt ở giữa, trong lòng nải chuối. Phật thủ là loại quả có mười cánh múi chụm lên như 10 ngón tay nên dân gian gọi là tay Phật. Phật thủ được trưng lên bàn thờ với niềm cầu mong được bàn tay Phật trời ban phúc lộc. Nếu không tìm được Phật thủ, có thể thay bằng quả bưởi chín vàng, cũng mang ý nghĩa tương tự. Tiếp theo, ba loại quả khác có các màu đỏ (ứng với mùa Hạ – hành hỏa) như ớt sừng, cam-quýt chín, trứng gà, hồng…; màu trắng (ứng với mùa Thu – hành kim) như roi, đào; màu đen (ứng với mùa Đông – hành thủy) như mận, hồng xiêm… Mâm ngũ quả làm cho quang cảnh Tết và không gian thờ cúng thêm ấm áp, rực rỡ mà hài hòa; thể hiện sinh động ý nghĩa triết học-tín ngưỡng-thẩm mỹ, đồng thời cũng chứa đựng ước vọng của con người. Tuy mỗi miền mỗi khác, nhưng tựu trung, mâm ngũ quả trên bàn thờ ngày Tết vẫn là nơi hội tụ của hồn quả, hương cây, của nếp văn hóa dân tộc và của ý nguyện cầu hòa, an, đủ của người dân Việt. Nếu như ở miền Bắc, hầu như tất cả các loại quả đều có thể bày lên bàn thờ, kể cả quả ớt mang vị cay đắng, miễn sao mâm ngũ quả trông đẹp mắt là được; thì người miền Nam lại có sự kiêng cữ. Mâm ngũ quả của người miền Nam không bao giờ có chuối, vì loại quả này tên gọi có âm giống từ “chúi” thể hiện sự nguy khó. Quả cam cũng không được có mặt trong mâm ngũ quả ngày Tết, vì câu “quýt làm cam chịu.” Do trái cây ngày càng nhiều, loại nào cũng ngon, bổ nên để thể hiện cao nhất lòng hiếu thảo đối với tổ tiên, đồng thời cũng nhằm thể hiển tính trình bày mỹ thuật trong con mắt thẩm mỹ độc đáo của nhân dân, nên mâm ngũ quả ngày càng phong phú hơn, và người ta cũng không câu kệ cứng nhắc “ngũ quả” nữa mà có thể là bát, cửu, thập quả. Nhiều hơn, nhưng người ta vẫn gọi là “mâm ngũ quả” và, dù đựng trong đĩa cũng vẫn gọi theo xưa là “mâm.” Bởi đó là một “sản phẩm văn hóa” đã xác lập trong quá trình lịch sử lâu dài, được khuôn đúc theo quan niệm về “bộ ngũ hoàn hảo.” Chưng bày mâm ngũ quả trên bàn thờ của gia đình trong những ngày Tết mang ý nghĩa giữ gìn bản sắc văn hóa độc đáo của dân Việt. Chính vì vậy, người dân Việt dù ở phương trời nào, đến ngày Tết cổ truyền vẫn không bỏ qua tục lệ này, như một sự nhắc nhở, cho bản thân và cho con cháu, về cội nguồn của mình.
Ý nghĩa của một vài loại hoa quả thường được bày trên mâm ngũ quả:
– Lê (hay mật phụ), ngọt thanh ngụ ý việc gì cũng trơn tru, suôn sẻ – Lựu, nhiều hạt, tượng trưng cho con đàn cháu đống – Đào thể hiện sự thăng tiến – Mai, do điển phiếu mai, con gái phải có chồng, hạnh phúc, không cô đơn – Phật thủ giống như bàn tay của Phật, chở che cho con người – Táo (loại trái to màu đỏ tươi) có nghĩa là phú quý – Hồng, quýt rực lên màu sắc mạnh mẽ, tượng trưng cho sự thành đạt – Thanh long – ý rồng mây gặp hội – Bưởi, dưa hấu: căng tròn, mát lành, hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn – Nải chuối như bàn tay ngửa, hứng lấy nắng sương đọng thành quả ngọt và che chở, bảo bọc – Quả trứng gà có hình trái đào tiên – lộc trời – Dừa có âm tương tự như là “vừa,” có nghĩa là không thiếu – Sung gắn với biểu tượng sung mãn về sức khỏe hay tiền bạc – Đu đủ mang đến sự đầy đủ thịnh vượng – Xoài có âm na ná như là “xài”, để cầu mong cho tiêu xài không thiếu thốn./. |
Bưởi – loại quả nhiều lợi ích
Trẻ đau trướng bụng hoặc tiêu chảy do ăn không tiêu có thể chữa bằng cách: Lấy vỏ bưởi rửa sạch, cạo bỏ lớp ngoài, cắt thành từng khúc, nấu với nước sôi một lát rồi vắt nước, ngâm trong đường 1 tuần. Lấy nước mứt nuốt dần, dùng liền 5 ngày.
Nước bưởi chứa nhiều chất bổ dưỡng như các loại đường trái cây, đạm, béo, acid tannic, beta-caroten và các chất khoáng như phospho, sắt, canxi, kali, magiê, các vitamin B1, B2, C.
Đông y cho rằng mỗi bộ phận của quả bưởi đều có tác dụng riêng. Cơm bưởi vị ngọt, chua, tính mát, không độc, có tác dụng kiện tỳ, trị ho, giải rượu. Vỏ ngoài chứa tinh dầu (vỏ trong thường dùng làm mứt), vị cay, đắng, ngọt, tính ấm, có tác dụng trị ho, giảm đau. Hạt bưởi vị đắng, tính ấm, chứa chất béo, có tác dụng trị đau thoát vị bẹn, sa đì. Lá bưởi vị đắng, the, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng tán hàn, tán khí, thông kinh lạc, giải cảm, trừ đờm, tiêu thực, hoạt huyết, tiêu sưng, tiêu viêm.
Theo y học hiện đại, nước bưởi có thành phần tựa như insulin, giúp hạ đường huyết, có tác dụng hỗ trợ đối với bệnh nhân tiểu đường, caohuyết áp. Vỏ chứa tinh dầu giúp kháng viêm, làm giãn mạch. Kiểm chứng thực tế cho thấy ăn bưởi đều đặn sẽ giúp giảm cân và phòng chống được tiểu đường. Vỏ ngoài của bưởi chứa nhiều tinh dầu, có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa và trị cảm cúm, thường được dùng trong liệu pháp nấu nồi xông giải cảm. Ngồi ra, vỏ bưởi còn chứa nhiều flavonoid như naringosid, hesperidin, diosmin, diosmetin, hesperitin… có tác dụng bảo vệ thành mao mạch, giảm tính thấm, giúp cho mao mạch đàn hồi và bền vững hơn, từ đó ngăn ngừa tai biến do vỡ các mao mạch, gián tiếp giúp hạ huyết áp. Một số người còn dùng vỏ ngoài quả bưởi xoa trên da đầu để kích thích lỗ chân lông phòng trị bệnh hói hay rụng tóc.
Một số bài thuốc có bưởi
1. Chữa ho nhiều, đàm khí nghịch – Cơm bưởi 100 g, rượu gạo 15 ml, mật ong 30 ml, chưng cách thủy cho chín nhừ, mỗi ngày ăn 1 lần. – Cơm bưởi cắt nhuyễn cho vào bình, ngâm rượu, đậy kín 1 đêm, nấu nhừ, dùng mật ong trộn đều, ngậm nuốt thường xuyên. 2. Rối loạn tiêu hóa, thai phụ miệng nhạt, nước dãi trào ngược – Cơm bưởi 60 g, ăn hết một lần, mỗi ngày ăn 3 lần. – Nước bưởi, mỗi lần dùng 50 g, ngày 3 lần, dùng liền 5 ngày. – Bưởi 5-8 quả ép lấy nước, dùng lửa nấu đặc, thêm 500 g mật ong, 100 g đường phèn, 10 ml nước gừng tươi, cùng nấu thành dạng cao, để nguội, đựng trong lọ. Mỗi lần dùng 15 ml, ngày 2 lần, dùng liền 5 ngày. 3. Hôi miệng, giải rượu – Cơm bưởi 100 g, nhai nuốt dần dần. – Bưởi 1 quả lấy nước, vỏ quít 10 g, gùng tươi 6 g, thêm đường đen lượng vừa nấu chung, mỗi ngày dùng 1 liều, dùng liền trong 5 ngày. 4. Say tàu xe hay rối loạn tiêu hóa, miệng nhạt buồn nôn do cảm
Mứt bưởi 30-60 g, nhai nuốt dần. 5. Đau khớp hay té ngã sưng đau
Vỏ bưởi tươi 250 g, gừng tươi 30 g, cùng băm nhuyễn, đắp tại chỗ, mỗi ngày thay 1 lần. 6. Dị ứng da hay mẩn ngứa không rõ nguyên nhân
Bưởi da xanh 1 quả, cắt bổ nguyên quả, nấu nước thoa rửa tại chỗ, mỗi ngày làm 3 lần, đồng thời có thể ăn bưởi 60 g, mỗi ngày 3 lần. 7. Thoát vị bẹn, sa đì
Hạt bưởi 15 g, băm nhuyễn nấu nước uống, ngày uống 1 lần vào sáng và chiều. 8. Bong gân, sưng khớp do lạnh, chấn thương
Lá bưởi không kể liều lượng, nướng chín để nắn, xoa bóp hay nấu nước xông và ngâm tại chỗ.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)