Vì sao trà được nhiều người ưa chuộng?
Trà và công dụng của chúng là chủ đề luôn được các nhà khoa học quan tâm. Các loại trà được đề cập nhiều nhất là trà đen, trà xanh, trà trắng, trà O Long, trà Cung Đình Huế. Điều tạo ra sự khác biệt giữa bốn loại trà với nhau đó là cách thức chế biến và độ tuổi của lá. Hai yếu tố này quyết định độ ngon cũng như hàm lượng dinh dưỡng của trà.
Trà đen được làm từ lá trà sấy khô và được ô xy hóa (có nghĩa giải phóng các chất hóa học trong lá). Trà xanh được làm từ lá trà sấy khô chưa được ô xy hóa. Trà Ô long cũng được làm từ lá trà sấy khô và được ô xy hóa một phần. Trà trắng được chế biến từ lá trà tươi và không qua khâu ô xy hóa. Tất cả bốn loại trà này đều có đặc điểm là chứa hàm lượng chất polyphenol cao – một loại chất có thể bảo vệ chống lại nhiều bệnh tật. Và chính chất polyphenol làm cho trà trở thành “ngôi sao” trong các nghiên cứu khoa học.
Hầu hết các nghiên cứu đều tập trung vào trà đen và trà xanh – hai loại trà được tiêu thụ mạnh ở Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều quốc gia châu Á khác. Trà xanh nổi tiếng với lượng chất chống ô xy cực mạnh, có các chất catechin, đặc biệt là chất epigallocatechin gallate (thường được gọi là EGCG). Chất EGCG được đánh giá là có lợi cho tim. Đó là lý do vì sao các nghiên cứu thường tập trung vào lá trà xanh hơn là trà đen.
Công dụng của trà
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc uống trà rất có lợi cho sức khỏe bởi nó có nhiều tính năng như:
– Ngăn ngừa ung thư: Katja Boehm, thuộc Hiệp hội Nghiên cứu ung thư học (Đức) cho biết: uống ba đến năm tách trà mỗi ngày giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư như cổ tử cung, đại trực tràng, phổi, tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, chúng không có khả năng ngăn ngừa ung thư vú và nhiều bệnh ung thư khác.
– Tốt cho não: Uống 1-4 tách trà đen hoặc trà xanh mỗi ngày có thể giúp chúng ta hạn chế nguy cơ mắc bệnh Parkinson.
– Tốt cho tim: Các nhà nghiên cứu cũng khẳng định rằng uống trà có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm sự phát triển của tác nhân làm tăng cholesterol xấu (LDL) và chất béo trung tính triglyceride – được xem là tác nhân gây ra các bệnh tim mạch. Một nghiên cứu của Nhật Bản cũng chỉ ra rằng ”nếu uống khoảng 5 tách trà xanh mỗi ngày, nguy cơ bị đột tử do tim mạch giảm 26% so với những người uống ít hơn số tách trà nói trên, và hiệu quả mà nó mang lại cho nữ giới cao hơn ở nam giới.
Tuy nhiên các nhà khoa học cần phải tiến hành nhiều nghiên cứu khác mới có thể xác định những lợi ích tiềm năng khác. Một nghiên cứu nhỏ chỉ ra rằng, chất chống ô xy hóa và cafeine trong trà xanh giúp đốt cháy một ít năng lượng trong cơ thể. Ngoài ra, uống trà còn có thể đẩy lùi chứng loãng xương. Chất chống lão hóa EGCG có thể giúp phát triển số lượng các tế bào miễn dịch cho cơ thể, tuy nhiên những điều này chỉ được chứng minh bằng thí nghiệm trên động vật.
Mặc dù những lợi ích mà trà mang lại cho chúng ta là khá lớn, song tại sao các tổ chức y tế trên thế giới lại không khuyến cáo con người uống thật nhiều trà? Đây chính là vấn đề cốt lõi. Nhiều điều hứa hẹn mà trà mang lại cho con người là có thật, song cho đến nay tất cả các kết luận cũng chỉ mang tính tương đối. Bởi các nghiên cứu, thí nghiệm chưa được tiến hành trên các bệnh nhân để chứng minh rằng nhờ uống trà mà có sự thay đổi khả quan đối với cơ thể của người bệnh. Hầu hết các nghiên cứu về trà được thực hiện nhờ sự quan sát.
Điều này có nghĩa các nhà khoa học không thể biết được liệu các dược chất trong cơ thể người thật sự phát huy hiệu quả chữa bệnh là nhờ vào thói quen uống trà hay còn có tác nhân nào khác giúp những người uống trà khỏe mạnh. Hơn nữa, nhiều nghiên cứu cũng chỉ tập trung vào một số hợp chất nhất định có trong trà và các nghiên cứu này vẫn chỉ được thực hiện trong phòng thí nghiệm hoặc trên động vật, chứ không phải trên người. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, hiệu quả mà các hóa chất có chức năng chống ô xy hóa mang lại cho những người khác nhau cũng khác nhau.
Các chuyên gia cũng đồng ý rằng uống trà mỗi ngày có thể giúp chúng ta ngăn ngừa bệnh tật nếu bạn hạn chế lượng cafeine vào cơ thể. Tuy nhiên bạn không nên quá đề cao vai trò của trà mà quên đi nhiều thói quen tốt khác. Vì vậy, ngoài việc uống trà, chúng ta còn cần kết hợp nhiều thói quen có lợi cho sức khỏe như tập thể dục, chế độ ăn uống hợp lý để có thể ngăn ngừa bệnh tật và cơ thể khỏe mạnh.
Những lưu ý khi dùng trà
- 1. Không nên uống nước trà để lâu
Nước trà pha xong để sau vài tiếng đồng hồ sẽ tạo phản ứng hóa học, nước trà bị xỉn màu, thành phần vitamin B và C sẽ bị phân hủy. Lượng cafeine tăng lên, có tác dụng kích thích cao, uống vào gây khó chịu. Đặc biệt, nước trà để lâu lượng acid cũng tăng lên, khi uống vào sẽ gây hại cho người bị bệnh Gout vì làm tăng acid uric. Nên uống trà sau khi pha từ 5-10 phút là tốt nhất.
- 2. Làm giảm hấp thu sắt
Trong lá trà có nhiều acid tannic, nếu uống trà ngay sau khi ăn khoảng 15 phút thì các chất dinh dưỡng như sắt, protein, lipid,… có trong thức ăn sẽ tác dụng kết tủa với acid tannic, gây khó tiêu, lượng sắt được hấp thụ vào cơ thể sẽ giảm 50%. Đặc biệt là phụ nữ mang thai và sau sinh, những đối tượng cần nhiều chất sắt thì không nên uống trà.
Ngoài ra, những người bị đau dạ dày, táo bón và mắc bệnh về gan cũng nên hạn chế dùng trà.