Thanh Hà – vùng đất vải thiều

Vải thiều hay còn có tên Lệ Chi là loại quả vải nổi tiếng ở Thanh Hà, Chí Linh (Hải Dương) và Lục Ngạn (Bắc Giang). Vải thiều Thanh Hà đã được UBND huyện Thanh Hà, Sở khoa học Công nghệ Hải Dương tiến hành đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm này lên Cục Sở hữu trí tuệ. Theo đó, vải thiều Thanh Hà sẽ là một trong số ít sản phẩm nổi tiếng như: chè xanh Mộc Châu, cà phê Buôn Mê Thuột, nước mắm Phú Quốc…, được bảo hộ chỉ dẫn địa lý đến thời điểm hiện tại ở VN.

Vải thiều Thanh Hà là một loại hoa quả đặc sản có nguồn gốc từ Phúc Kiến (Trung Quốc), sau đó được nhân giống sang một số nơi khác trên cả nước. Giống vải này được ưa chuộng nhất ở Việt Nam cũng bởi hương vị đặc sắc và thẩm mỹ mà nó đem lại. Chuyện kể rằng:
“Cách đây hơn 140 năm, cụ Hoàng Văn Cơm, một thương gia ở thôn Thúy Lâm (xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà), trong một chuyến mang hàng hóa sang Trung Quốc tiêu thụ đã được bạn hàng mời ăn một thứ quả lạ. Bị quyến rũ bởi hương thơm và vị ngọt đậm đà của quả lạ, cụ đã lén mang 3 hạt về gieo trong vườn nhà. Chẳng bao lâu, cả 3 hạt mọc lên 3 cây. Cụ Cơm dặn dò con cháu: “Đây là loại cây giúp người dân có của để dành cho mai sau, vì vậy, phải gia công chăm bón, trông nom cẩn thận”.

Gặp đất lành, cây mặc sức vươn cao, xanh tốt. Tuy nhiên, phải đợi 5 năm sau, cây mới cho quả bói. Cụ Cơm ngỡ ngàng không dám tin vào mắt mình, khi thấy quả trên cây to hơn, khi chín vỏ đỏ tươi, ít gai hơn so với thứ quả mà cụ được thưởng thức trên đất bạn. Lột lớp vỏ mỏng, cụ Cơm tách cùi, nếm thử thì thấy cùi giòn tan, vị ngọt, mát. Cụ Cơm quyết định không theo phường buôn nữa mà dành trọn thời gian cùng con cháu chăm sóc cây; chiết cành, nhân giống bán cho bà con trong vùng. Quả quý ấy chính là vải thiều. Cụ Cơm về cõi vĩnh hằng, con cháu vẫn không quên lời cụ dặn, cố công chăm sóc 3 cây vải quý. Đáng tiếc, trận lụt lớn năm 1968 đã làm cho một trong 3 cây bị chết, giờ trong vườn chỉ còn 2 cây. Cả 2 cây này đã được Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam công nhận là “Cây vải tổ” từ năm 1992.”


Cây vải tổ

Ngày nay, vải thiều được nhân giống sang một số nơi khác trên cả nước như Lục Ngạn – Bắc Giang, Chí Linh – Hải Dương và nhiều địa phương khác…và các loại cũng được lai tạo đa dạng! Cũng chung từ một giống, nhưng vải được trồng ở các khu vực khác thường chín sớm hơn, hạt to và vị chua hơn. Có lẽ chính những bí quyết canh tác truyền thống của người dân Thanh Hà đã làm nên chất lượng vải nơi đây mà không một vùng vải nào có được.
Trái vải thiều lớn cỡ ngón chân cái, tạo thành chùm, vỏ màu đỏ sậm hơi sần sùi. Bóc vỏ ra, bên trong là một lớp cùi trắng nõn, mọng nước, vị ngọt dịu mát, thơm của nước vải ngấm tận chân răng, đặc biệt, mùi thơm của vải khi ăn xong vẫn còn vương vấn mãi. Vải thiều Thanh Hà hột nhỏ, màu nâu đen, cây vải tuổi càng cao thì hạt càng nhỏ, có nhiều trái gần như không có hạt và lớp cùi dày ngọt lịm, đầy nước. Khoảng độ giữa tháng 6, du khách về Thanh Hà thăm quan hay chỉ là tiện đường ghé qua, không khỏi thích thú, hấp dẫn trước những vườn vải chín đỏ nở rộ và còn được trực tiếp thưởng thức vị ngọt thơm của vải Thanh Hà. Từng chùm vải nặng trĩu, sực mùi hương thơm nồng. Trong cái nắng rực lửa của tháng hè, dường như màu xanh của cành, lá bị che lấp để nhường chỗ cho những vườn vải nhuộm một màu đỏ sậm.

Thanh Hà mùa vải chín

Đến nay, cùng với các thương hiệu khác như bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh), vải Lục Ngạn (Bắc Giang), thương hiệu vải Thanh Hà đã khá nổi tiếng tại thị trường trong nước. Tuy nhiên, việc bảo hộ vẫn chưa được thực hiện một cách rõ ràng, nhiều nơi có nhãn hiệu Thanh Hà nhưng không rõ xuất xứ dẫn tới việc cấp tem, nhãn chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm còn chưa phát huy được hiệu quả. Theo ông Nguyễn Hữu Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, UBND tỉnh Hải Dương đã đạo các cơ quan chức năng in ấn nhãn hiệu sản phẩm, kiểm tra xét duyệt cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống hàng giả, hàng nhái, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với các địa phương, Hiệp hội sản xuất và tiêu thụ vải chủ động liên hệ ký hợp đồng với các doanh nghiệp, cơ sở, siêu thị thu mua vải.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Danh mục Giỏ hàng Tài khoản Yêu thích