Bánh Coóng Phù

Mùa đông, nếu đến Cao Bằng, buổi tối dạo trên những con phố nhỏ của thị xã miền núi này, bạn sẽ thấy những hàng quà đêm bên đường. Ánh lửa bập bùng trong bếp lò, người ăn xúm xít vây quanh. Đó chính là những hàng bán bánh coóng phù.
Thực ra, bánh coóng phù chẳng xa lại gì với mọi người. Coóng phù (còn có tên khác là thoóng phù, phù noòng) tiếng Tày, Nùng nghĩa là bánh trôi. Thoạt nhìn, coóng phù của người miền núi cũng không khác bánh trôi của người miền xuôi là mấy. Cũng là gạo nếp xay thành bột nước, đựng trong túi vải cho róc hết nước rồi nhào bột cho dẻo, vo viên, thả nước sôi… Nghĩa là cách làm cũng giống như làm bánh trôi vậy nhưng món bánh trôi của người Tày lại có cách làm cầu kỳ hơn, hương vị cũng rất đặc trưng với dư địa của vùng núi và thường được dùng nhiều trong tiết trời còn se lạnh của mùa Đông. Khác với bánh trôi của miền xuôi, bánh coóng phù ở đây khi thì có nhân là lạc rang giã nhỏ nấu với đường đỏ, khi thì nhân bánh bằng đỗ xanh nấu chín trộn đường kính trắng.

Bánh Coóng phù được làm từ bột nếp có pha một tỷ lệ bột gạo tẻ với nhiều màu sắc khác nhau được làm từ những loại cây, hoa cỏ tự nhiên như: màu tím đỏ của cây cẩm, màu vàng của hoa hiên, màu xanh của cây sâu sâu… Nhưng màu gấc vẫn được người dân ưa chuộng hơn cả. Đầu tiên là xát bột – mà máy xát bột thì một khu, một làng có thể có mấy nhà xát. Đổ bột vào trong túi gạo, mang về cột chặt, treo lên cái xà, để nước chảy xuống đến lúc nước ráo làm túi bột nhỏ lại thì phải xiết thêm dây, đến khi nước không còn chảy xuống tí tách nữa. Bột nặn phải có độ dẻo nhất định, nặn sơ qua một lượt, để chúng ở cùng với nhau trên khay, sau đó nhặt những hòn bột nhỏ lên, đặt trong lòng bàn tay, xoay tay cho bột bánh tròn đều. Người làm càng thạo, số viên bánh trên tay càng nhiều. Và thả vào nồi nước sôi, đến khi bánh nổi, vớt ra, không được để nhừ, ăn đến đâu thả đến đó.


Nước đun bánh cũng phải là nước đường, đun sôi, đợi sủi tăm rồi mới thả bánh vào. Khi thả những viên bánh coóng phù vào nồi, động tác phải thật nhẹ nhàng, thuần thục, không được để bánh vỡ. Đợi khi những chiếc bánh nổi lập lờ mới từ từ vớt ra, thả vào bát, chan với nước đường đang nóng hổi. Theo kinh nghiệm làm bánh coóng phù của người Tày, để có hương vị đặc trưng thì nước chan bánh phải được làm từ mật mía, pha sao cho vừa có đủ độ ngọt, vừa có độ sánh và chỉ nên thêm vài lát gừng đã giã dập. Có người ví nước đường để ăn coóng phù mà không có gừng thì chẳng khác gì thịt chó mà không có mắm tôm vậy.


Vào ngày Đông chí ở Cao Bằng nhà nào cũng làm bánh này để cúng tổ tiên. Các hàng coóng phù ở đây thường bày ngay dưới mái hiên, bên hè phố. Và chỉ bắt đầu bán vào lúc chập tối cho đến nửa đêm. Đêm mùa đông miền núi, gió lạnh hun hút. Sương đêm giăng mờ trên những ngọn đèn, bạn có thể tạt vào quán ven đường, góc phố nào đó để ăn bát Coóng phù. Vị ngọt của đường phên, vị cay ấm của gừng và gạo trắng của Cao Bằng sẽ làm tan biến cái giá lạnh, sưởi ấm lòng người như lời mời gọi và níu chân khách phương xa.


Với người dân Cao Bằng, ăn coóng phù phải ăn nóng. Ăn giữa cái rét của đêm mùa đông, cạnh ánh lửa hồng của của hàng bánh dưới mái hiên. Dù quen hay lạ, người ta vừa thong thả ăn vừa khẽ khàng nói với nhau đôi câu chuyện. Thế mới hợp tình hợp cảnh. Bánh vừa vớt ra, nóng hổi. Nước đường nóng bỏng môi, thơm cay mùi gừng tươi. Ăn như thế mới đúng kiểu ăn của người miền núi xứ lạnh, mới cảm thấy hết cái ngon của coóng phù. Vị dẻo quánh của nếp, vị bùi của nhân lạc cùng với vị ngọt của đường, vị thơm cay của gừng hòa quyện với nhau ngon lạ lùng, thật khó quên.
                                                                 Tinfood sưu tầm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Danh mục Giỏ hàng Tài khoản Yêu thích