Vàng óng, trong vắt và chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc, bánh phu thê Đình Bảng không còn chỉ là một món quà bình dân mà các bà, các mẹ vẫn mua cho những đứa trẻ trong các phiên chợ quê. Vượt qua giá trị của thời gian, bánh Phu Thê đã dần đi vào lòng người và trở thành món ăn không thể thiếu trong các dịp lễ Tết, hội hè tại Đình Bảng.
Chuyện kể rằng khi vua Lý Anh Tông xuất chinh, hoàng hậu chính tay vào bếp làm ra món bánh gửi theo chồng đi đánh trận. Nhà vua cảm động, khi ăn lại thấy hương vị rất ngon bèn đặt tên là bánh phu thê và truyền rộng ra dân gian. Là nơi gắn bó với phát tích của triều Lý nên Đình Bảng là nơi đầu tiên làm ra loại bánh này.
Đây là một loại bánh được tạo nên bởi sự pha trộn tổng hợp giữa những nguyên liệu truyền thống hết sức quen thuộc đối với mỗi người dân đất Việt như: gạo nếp, quả dành dành, hạt vừng, hạt sen, đu đủ… Những thứ tưởng chừng như dung dị, nhưng khi qua bàn tay khéo léo của người thợ, chúng lại trở thành sản vật mang hương vị rất riêng và chứa đựng nhiều giá trị nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên, để làm được một cặp bánh phu thê ưng ý, người làm bánh phải trải qua nhiều công đoạn mà ở bất cứ công đoạn nào cũng cần có sự cẩn thận và tỉ mỉ.
Trước hết là công đoạn chọn gạo. Gạo phải là loại nếp cái hoa vàng, đều hạt, được vo sạch và giã tay bằng cối. Bột giã được chiết lấy tinh bột mịn chừng phân nửa lượng gạo, xay nhuyễn và đem phơi. Trong các công đoạn thì đây là công đoạn khó khăn nhất, đòi hỏi kinh nghiệm và bí quyết làm nghề lâu năm, chỉ có tại Đình Bảng. Gạo không đều, xay bằng máy hay phơi bột chưa đủ khô sẽ làm mất độ dai, dẻo của bánh – đặc trưng tối quan trọng của loại đặc sản này.
Nhân bánh là đỗ xanh ngâm kĩ, đãi vỏ, đem đồ và thắng đường cát. Khi gói bánh, người thợ trộn thêm sợi đu đủ khô để tạo độ dai và thêm sợi dừa nạo để bánh có vị ngậy. Nhân bánh cũng thường được thêm hạt sen để tạo vị thơm ngon, hấp dẫn.
Bánh thành phẩm có màu vàng nhạt, có độ trong vừa phải để khi bóc ra, ta có thể thấy được nhân bán ẩn khuất phía sau lớp vỏ bánh dày vừa phải. Để tạo màu, nguyên liệu được chọn là hoa dành dành phơi khô, nấu lấy nước để trộn bột.
Bánh được gói thành hai lớp. Bên trong là lớp lót lá chuối tiêu có mùi thơm dịu, bên ngoài được bọc bằng lá dong và buộc một sợi lạt đỏ. Bánh được gói thành cặp (không để lẻ bánh) và được bày bán ở Đền Đô, Đình Làng và chuyển sang Hà Nội phục vụ các lễ cưới, lễ hỏi của các đôi uyên ương.
Một chiêc bánh đơn giản nhưng chứa đựng trong mình cả một triết lý Á Đông sâu sắc. Lá bánh xanh mướt tượng trưng cho sự chung thủy của người vợ Việt Nam. Sợi dây kết đôi bằng lạt nhuộm đỏ mô phỏng sợi tơ hồng thể hiện tình vợ chồng. Bánh có màu vàng trong thể hiện tình yêu thương thầm kín, chứa đựng sự quan tâm, chăm sóc của người vợ đối với chồng mình.
Nguồn: Tinfood sưu tầm