Mỗi năm vào dịp Tết Thanh minh hay Tết Đoan ngọ người Tày ở Bắc Kạn lại nhộn nhịp chuẩn bị nguyên liệu để làm các loại bánh. Có một loại bánh mà người Tày hay làm trong những dịp này đó là bánh trứng kiến. Bánh trứng kiến (tiếng Tày gọi là “pẻng rày”), nguyên liệu gồm: Trứng kiến, bột gạo, lá non của cây vả.
Vỏ bánh thì đơn giản hơn rất nhiều, gạo nếp được xay cho nhuyễn và cô thành bột dẻo, những người có kinh nghiệm khi làm bánh trứng kiến thường pha một tỷ lệ nhất định bột gạo tẻ vào chung với bột nếp, chất lượng bánh sẽ ngon hơn. Bên ngoài bọc những chiếc lá vả xanh non để làm áo cho những chiếc bánh.
Để làm nhân bánh người ta phi thơm hành rồi cho trứng kiến vào rang cho thơm phức và béo ngậy, việc này cũng phải hết sức khéo léo vì nếu quá lửa trứng sẽ cháy nát hết. Sau khi nhân bánh được chuẩn bị xong người ta sẽ tiến hành làm bánh. Bột gạo được dát mỏng vừa phải, dày cỡ nửa phân rồi áp vào lá vả non. Tiếp đến là cho trứng kiến đã xào rải đều trên mặt miếng bột, sau đó gói miếng bột vào để bọc lấy nhân bánh, để bánh được đẹp hơn người ta cố gắng thật khéo tay để bánh được vuông vức. Cuối cùng là bọc bên ngoài một lớp lá vả bánh tẻ rồi cho vào nồi đồ như đồ xôi độ 30 phút là chín. Theo bà con người Tày đối với bánh trứng kiến không thể thay lá vả bằng loại lá khác. Khi ăn cũng đừng tìm cách bóc tách lớp lá vả non bên trong đi bởi phải ăn cả lớp lá này thì bánh mới bùi và ngon hơn rất nhiều, mà có muốn bóc cũng rất khó bởi lá vả non sau khi được hấp chín đã dính chặt vào bánh.
Bánh trứng kiến là một trong những món ẩm thực mang giá trị văn hoá của đồng bào dân tộc Tày. Ăn miếng bánh trứng kiến có đủ hương vị của rừng, đồng quê, đậm đà của muối biển, hơn thế người thưởng thức còn thấy hết mọi vị béo bùi, thơm ngon của bánh mà ít có thứ bánh khác ngon bằng.
Tinfood sưu tầm