Bánh xèo, bánh căn

Bánh xèo, bánh căn

Ninh Thuận có những món ăn truyền thống mang nét đặc trưng, ăn no mà không ngán, đậm đà hương vị của biển. Bánh xèo và bánh căn là một trong số những món ăn hấp dẫn đó.

Bánh xèo Phan Rang khác hẳn bánh xèo Nam bộ. Mỗi chiếc bánh nho nhỏ như hình một chiếc đĩa con, bột tráng mỏng mà không rách, tôm mực thịt hành giá phủ bên trên thơm lựng, màu bột chín hơi ửng vàng thật bắt mắt. Chiếc bánh giòn rụm, vị béo thơm ngọt bùi, ăn một miếng thì ngay lập tức muốn ăn miếng thứ hai.


Người Phan Rang tin rằng khuôn đổ bánh căn, bánh xèo phải là khuôn được làm từ làng gốm Bàu Trúc bánh mới ngon. Phải là khuôn nặn từ đất sét sông Quau, cộng với bàn tay và tình yêu thương xứ sở của người Bàu Trúc, chiếc khuôn mới kết hợp trọn vẹn với tài làm bánh của người Ninh Thuận, thì vị của món ăn này mới mười phần vẹn mười.

Bánh xèo được đổ trong những chiếc khuôn làm bằng đất nung, đặt trong chiếc lò tròn (khoảng 4 – 5 khuôn). Bánh không cần nhiều dầu để tráng khuôn, lượng bột vừa đủ dày để tạo ra độ giòn mà không mất độ dẻo của bánh. Khi ăn, thêm ít giá tươi. Nước mắm để chấm bánh xèo được pha với đậu phộng giã nhuyễn, hơi nhạt để có thể cho bánh vào ngập chén nước mắm mà không bị mặn. Cách ăn này không giống như những nơi khác (cuốn bánh xèo với bánh tráng và rau sống) khiến nhiều người chưa quen, nhưng khi nếm thử sẽ thấy ngon và thích thú.

Một món ăn độc đáo không kém là bánh căn được làm bằng bột gạo. Và cách ngâm bột gạo, cách pha trộn thêm cơm nguội khi xay bột, cách đo liều lượng nước và gạo sao cho phù hợp để bánh không bị nhão, cũng không bị khê khi nướng bánh…là một bí quyết được truyền tụng từ đời này sang đời khác của người Phan Rang.


Từ chập choạng tối, người bán bánh căn đã tất bật xay bột, quạt than, nướng lò. Bánh căn phải nướng trên lò than hồng, mà không có cách nào khác có thể thay thế được. Lò than đã đỏ rực, khuôn đã tỏa ra hơi nóng, là lúc người bán bắt đầu đổ bánh. Người ta để khoảng 10-12 cái khuôn nhỏ bằng đất nung và đổ bột vào. Nếu khuôn nóng vừa đủ sẽ có bong bóng nổi lên trên làm chiếc bánh trở nên xốp và mau chín hơn. Bánh được thoa mỡ hành và cặp lại thành từng cặp. Có thể thêm trứng, tôm, thịt, mực. Bánh được lấy ra khi vừa chín tới là được thả thêm vào hành lá xắt nhuyễn. Chiếc bánh điểm thêm màu xanh của hành lá, nhìn càng ngon.


Nước mắm ăn với bánh canh có nhiều loại như mắm nước, mắm đậu phộng, mắm nêm và nước cá. Mắm nêm được làm bằng nước mắm cái, thêm ít me, thơm hoặc khế để tạo độ chua, làm dịu đi vị mặn của mắm. Những lúc trời mưa nhẹ, đội nón lá ra hàng bánh canh, ngồi quanh lò lửa hồng thấy ấm áp hẳn lên. Bánh căn không có dầu mỡ như bánh xèo, vì vậy ăn hoài không ngán.

                                                                           Tinfood sưu tầm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Danh mục Giỏ hàng Tài khoản Yêu thích