Người dân miền Trung, nhất là vùng Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế xa quê thường nhớ hương vị đặc trưng của những món ăn quê nhà; ngoài mắm ruốc, ớt bột, củ ném… trái vả cũng là một nguyên liệu không thể thiếu trong ẩm thực miền Trung.
Trái chuối chát xanh non có vị chát vì mủ, trái vả khác hẳn. Món bánh khoái hay tôm chua kèm thịt ba chỉ của xứ Huế sẽ mất ngon nếu trong rau sống ăn kèm thiếu trái vả. Vả thay chuối chát trong rổ rau sống và còn là nguyên liệu chế biến các món bình dân, hấp dẫn khác.
Trái vả luôn có mặt trong dĩa rau ăn kèm của tô bún thịt nướng, bún thịt kẹp tôm chua, thịt bò nhúng dấm… Ngay cả cách ăn đơn giản nhất là gắp miếng vả trắng hồng chấm với mắm nêm (hay quẹt mắm ruốc) cùng trái ớt xanh vừa thơm vừa cay đến độ hít hà cũng đủ hao cơm trong những ngày mưa dầm gió bấc.
Các bà nội trợ miền Trung cũng chế biến nhiều món ăn hấp dẫn như vả trộn, vả kho… Vả rửa sạch, cho vả vào luộc với nước sôi, vả chín, dùng tay chà bóp loại bỏ lớp vỏ xanh. Tiếp tục luộc lại cho vả chín nhừ, bóp tơi quả vả thật nhuyễn. Mè rang chín vàng, thịt nạc và da heo luộc chín xắt hạt lựu. Ướp gia vị nước mắm, hành, tiêu, bột ngọt, muối và một ít ớt bột… Các thứ trên trộn đều hỗn hợp, thái nhỏ rau thơm, hành ngò rải đều lên mặt. Cầm miếng bánh tráng xúc vả trộn, cho vào miệng nhai rơm rốp, hương vị thật lạ vừa mặn mà vừa ngọt, béo bùi ăn hoài không biết ngán.
Vả kho thịt heo, hay ngon hơn nữa là kho với các loại cá như cá rô, cá nục, cá ngừ… Khi kho, người ta cho lượng vả nhiều gấp 3 – 4 lần thịt, cá. Thịt, cá ướp gia vị kho trước, khi nồi cá, thịt sôi cho vả vô trộn đều kho tiếp, cho lửa vừa từ từ thấm tất cả các chất ngon, đậm đà vào miếng vả. Lúc dọn ăn, miếng vả vừa thấm mềm vừa ngọt, bao nhiêu vị ngon thấm trong miếng vả, chỉ cần ăn vả mà chẳng cần ăn thịt cá. Ngoài ra, vả còn dùng để xào, vả muối, vả chua ngọt.
Nguồn: Tinfood sưu tầm