Bánh dày người Mông

Khi những chùm hoa mận, hoa mơ nở trắng những triền đồi báo hiệu một mùa xuân mới đang về cũng là lúc đồng bào Mông bắt đầu đón tết cổ truyền của họ. Tết của người Mông thường được tổ chức sớm hơm tết Nguyên đán một tháng. Trong ngày tết ngoài rượu, thịt thì bánh dày là thứ không thể thiếu được trong bữa ăn của mỗi gia đình người Mông. Với người Kinh, bánh Chưng là biểu tượng cho Tết, cho trái đất vuông tròn đầy đủ, còn với người Mông bánh dày là biểu tượng cho tình yêu, sự thuỷ chung son sắt của trai gái người Mông, bánh giầy còn tượng trưng cho Mặt trăng, Mặt trời – là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài trên Trái đất.

Bánh dày người Mông
Theo những già làng người Mông kể lại: Thủa xưa có chàng trai người Mông tên là Nù Plai bị thần Hổ về bản bắt mất người yêu, Plai buồn lắm, chàng đau khổ đến quên ăn quên ngủ và quyết tìm gặp thần Hổ để đòi lại người yêu. Đường núi xa xôi hiểm trở, để đến nơi thần Hổ giam giữ người mình yêu Plai phải lội qua bao thác ghềnh, vực sâu. Plai đã nghĩ ra cách nấu gạo nếp nặn thành bánh (nay gọi là bánh dày) làm lương thực để đi tìm lại người yêu. Qua bao gian nan khổ ải, Plai đã tìm được nơi ở của thần Hổ. Cảm động trước tình yêu của chàng trai người Mông, thần Hổ đã trả lại người yêu cho chàng. Từ đó, chiếc bánh dày đã trở thành biểu tượng của tình yêu thuỷ chung đôi lứa của trai gái người Mông. Sự tích về bánh dày biểu tượng cho tình yêu của trai gái Mông đã đi vào cuộc sống, trở thành nét đẹp văn hoá trong cuộc sống của đồng bào.


Nghi lễ cũng bánh dày ngày Tết


Nguyên liệu làm bánh dày hoàn toàn là quà tặng từ thiên nhiên: Thóc nếp nương được chọn phải là nếp gien gốc vùng cao, dẻo, thơm, không được pha tạp. Gạo đồ cơm làm bánh dày được giã thủ công, nên khi phơi sấy cũng phải đủ nhiệt độ; nghĩa là không quá nắng để hạt gạo không gãy nát, thơm ngon, vẫn còn lớp màng mịn bám ngoài hạt gạo tăng hương thơm cho bánh. Nếp được đồ chín, hơi cơm tỏa thơm khắp bản (mỗi mẻ giã bánh dày tùy theo người làm song thường là 10 kg nên phải đồ cùng lúc 2 chõ xôi). Chõ xôi được đổ cả vào cối giã nhuyễn khi hơi cơm vẫn nghi ngút bốc, hương thơm cơm mới quyến rũ lan tỏa.

Cối giã bánh dày được làm bằng thân cây gỗ chắc, thớ mịn, có mùi thơm và khoét rỗng ruột như thuyền độc mộc. Chày giã bánh dày có 2 đầu, cán ở giữa, quá trình giã được xoa mỡ chống dính. Những người tham gia giã bánh dày thường là những người đàn ông, thanh niên khoẻ mạnh lực lưỡng. Họ tập hợp thành một nhóm khoảng chục người thay nhau giã, giã hết nhà này lại đến nhà khác. Phụ nữ chuẩn bị lá để gói bánh. Những tàu lá giong rừng xanh đậm, được rửa sạch bằng nước suối đầu nguồn, lau khô bằng khăn sạch. Quá trình giã, các thanh niên khéo léo dùng chày đẩy dồn cuộn cơm dẻo về một phía sau đó giã lại theo chiều “cuốn chiếu” để cơm nhuyễn đều.


Cơm càng giã kỹ càng dẻo, tạo thành bột trắng mịn, dính quyện lấy nhau. Lúc này các thanh niên gác chày, nhường công đoạn gói bánh cho phụ nữ, các bà, các chị khéo léo nặn thành những chiếc bánh xinh xắn, tròn trịa như mặt trăng, mặt trời trong những câu chuyện cổ. Những cuộn xôi được giã mịn màng, trắng ngần, còn nóng hổi được vo tròn, xếp vào lá giong. Màu trắng ngần của miếng bành nổi giữa màu xanh của lá. Bánh dày làm công phu nhưng để được rất lâu. Người Mông có thể mang bánh dày nướng trên bếp than hồng, hay chấm với mật ong… hoặc ăn cùng với chả khi bánh còn mềm, ngon.
Bánh dầy không chỉ là món ăn đãi khách mà còn làm quà cho khách đến thăm nhà. Dù để lâu ngày bánh vẫn dẻo thơm, khi ăn thường nướng trên than hồng, tạo một mùi thơm thật hấp dẫn. Đồng bào quan niệm tiếng gà gáy đầu tiên vào sáng mùng Một tháng Giêng, chính là “cái mốc” đánh dấu cho sự khởi đầu của một năm mới – Một năm mới tròn trịa như cái bánh dầy và yên bình như điệu gầu tào vút lên không trung.
                                                                                                    Tinfood sưu tầm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Danh mục Giỏ hàng Tài khoản Yêu thích